Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Non bộ với phong thủy

Ngày nay, khi cuộc sống đã đầy đủ người ta không còn phải lo từng miếng cơm manh áo nữa và khi đã có điều kiện người ta lại chăm sóc cho cuộc sống của mình. Với khoảng đất nhỏ phía trước nhà nhiều người chế tác những hòn non bộ…
Nguyên lý chế tác non bộ dù theo hình thức nào đi nữa cũng phải tuân theo ngũ hành, phải dựa vào cái gốc căn bản của phong thủy mà biến hóa, mà bố cục theo âm dương tương đồng, không thịnh âm khuyết dương, cũng không thịnh dương khuyết âm. Dương là ban ngày, là sự sống, sự sáng, sự nóng, là mùa xuân, mùa hạ…
Âm là ban đêm, là sự chết, sự tối, sự lạnh, là mùa thu, mùa đông. Thiết kế non bộ nơi lồi ra là dương, là núi, là doi… chỗ khuyết vào là âm, là vũng, là vịnh… chế tác non bộ phải dựa vào âm dương ngũ hành để bố trí nơi nào trồng cây, cây lúc nào cũng mọc vươn ra ánh sáng mặt trời gọi là dương – còn màu rêu phong sẩm tối khuất sau mỏm đá, hay một dòng suối róc rách , một cái hang tối đen có lắp chiếc cầu cong cong ngang qua gọi là âm. Như vậy non bộ là tóm thâu cả một bầu trời non nước để thu nhỏ lại trong một khung cảnh giới hạn chừng mực. Do đó muốn chế tác non bộ phải tuân theo quan điểm của phong thủy mà thực hiện chứ không phải muốn làm theo sở thích của mình như thế nào cũng được.
Non bộ đâu phải là một cách trang trí đơn thuần, một kiểu làm đẹp ngôi nhà theo cảm tính – mà non bộ là cả một nghệ thuật siêu nghệ thuật của người xưa. Một thú chơi tao nhã của kẻ tao nhân mặc khách.
Nói tóm lại non bộ nó có cái hồn. Cái hồn thâm thúy muốn nói lên tư tưởng của chú nhân với quan điểm của cuộc sống. Và điều quan tâm lớn nhất của phong thủy là đặt vị trí non bộ ở nơi nào để bổ sung âm dương địa cuộc, thông thóang ngũ hành cho căn cơ mà giải triệt hung mạch.
Phong cách thiết kế non bộ, các nhà phong thủy còn phân tích ra các hình thức sau :
Hạn mộc cảnh :
Loại hình xây dựng trên khô, được thực hiện với những pho đá san hô, hay đá vôi, và sử dụng các gốc cây khô, cây xương rồng cằn cỗi như cảnh hoang sơ ở vùng sa mạc. Đây cũng là quan niệm non bộ của Nhật Bản hay dùng hình thức này để nhấn mạnh thêm cái phần chân đế tĩnh lặng theo thuyết lý Lão Trang.
Thụ mộc cảnh :
Sử dụng cây kiểng là chính, thể hiện cây cổ thụ ở giữa đồng nội, có chú mục đồng, có con trâu gặm cỏ. Hoặc cây cổ thụ có rễ um tùm ở giữa thảo nguyên. Hoặc cây thiên tuế thâm niên, cây lão mai, cây sứ đại… ở giữa đồi cỏ mấp mô, để nơi này sẽ trở thành hoa viên cây cảnh trong sân vườn.
Sa thạch cảnh :
Loại hình này thường được thực hiện trên nền cát nhuyễn hoặc những khỏang sân vườn có trải sỏi trắng và sử dụng những pho đá có nhiều hình thù đẹp mắt nói lên những ý nghĩa mà chủ nhân muốn nói để hóa những phiến đá vô hồn này thành những linh hồn.
Thủy mộc cảnh :
Thiết kế non bộ theo hình thức này – nhà phong thủy muốn bảo tồn cho thế đất của địa cuộc – không san bằng chỗ cao, không bồi lấp chỗ trũng – mà giữ nguyên thế dáng của đất theo phương truyền « thượng nhất thồn như vi sơn – hạ nhất thốn như vi thủy ». Nghĩa là chỗ cao hơn 1 tấc là núi, chỗ thấp hơn 1 tấc là nước. Thế đất này mấp mô cao cao thấp thấp trồng cỏ non Nhật Bản, phối trí các cây cổ thụ bon sai với những dòng suối nhỏ róc rách quanh co.
Thủy thạch cảnh :
Chế tác non bộ theo hình thức này, sử dụng đá và nước là chính, cây là phụ - cách sắp xếp các khối đá tạo nên cảnh hoang sơ hùng vĩ và tạo dòng nước như thác đổ, có nơi phối trí từng giọt rơi rơi như sương sớm, cùng những cây si, cây bon sai nho nhỏ, vị tiều phu gánh củi qua cầu, ngư ông ngồi câu cá, có mái chùa cong cong…
Nhà phong thủy tùy vào địa cuộc mà định vị bố trí hòn non bộ. Tùy vào tuổi tác của chủ nhân mà sử dụng một trong năm hình thức non bộ vừa mới nói ở trên.
Ngoài mục đích non bộ là thiên nhiên thu nhỏ, cô đọng núi sông, cỏ cây hoa lá, chùa chiền, lâu đài, miếu mạo…để làm đẹp thêm cho đô thị, làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của con người. Non bộ còn là một nghệ thuật phong thủy đem lại sự hòa hợp của âm dương, của sự tương sinh thuận hòa giữa trời đất và con người. Nghệ thuật chế tác non bộ không chỉ là không gian thu nhỏ của núi sông, hang động, cây cỏ, chùa chiền, cầu vồng, thuyền bè, chim chóc, động vật của con người. Non bộ còn là thủ thuật sử dụng thủ pháp chế tác theo phong thủy để đem lại sự lưu thông ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).
Sự tương sinh ngũ hành sẽ đem lại tài lộc, sức khỏe, thịnh vượng, sinh khí cho chủ nhân của nó. Theo thuật phong thủy, núi là nơi hội tụ tinh anh của trời đất, nước là nơi quy nạp của tiền tài danh vọng. Sự hòa hợp hài hòa của núi sông sẽ đem lại đại cát, hạnh thông cho nơi tạo ra nó. “ Nước lấy núi làm mặt, lấy chim thú, cây cảnh làm tinh thần, núi lấy nước làm huyết mạch…” Nước tượng trưng cho tài lộc nhưng nước là vật thể bốc hơi theo thời gian năm tháng, theo nóng lạnh của ngày và đêm. Nước cũng như tài lộc vào nhà thì chủ nhân được hưởng lộc, nhưng muốn giữ được lộc này thì phải làm thế nào? Núi là nơi hội tụ, giữ gìn cái tài lộc, cái tinh anh ấy. Sự hòa hợp giữa núi sông chính là sự hưng tài, đắc lộc vậy. Núi sông hòa hợp thì cỏ cây, chùa chiền, ngư tiều canh mục… tạo dựng nên non bộ là sự hợp tác để tương sinh, để hoàn thành cho tác phẩm chế tác non bộ theo thuật phong thủy. Sự tương sinh giữa nhà cửa, hoa lá, chim muôn, chùa chiền, miếu mạo… đó là cái tinh thần tạo tác của nghệ nhân.
Ngoài việc chế tác non bộ với cái tâm, cái tinh thần, cái nghệ thuật; người nghệ nhân phải biết đặt để vị trí non bộ thế nào cho phù hợp để giao lưu giữa thiên nhiên và con người như cá với nước. Nếu là khu vực rộng lớn như nhà trong một khu vườn non bộ sẽ nằm sau một bình phong trên lối vào nhà. Nếu là nhà trên một diện tích đất hẹp như: nhà ở, phố, công tư sở, siêu thị hay nhà hàng,…non bộ sẽ nằm bên phải hay bên trái của lối vào nhà ( tả thanh long, hữu bạch hổ), non bộ không nằm ngay mặt tiền nhà (ém tài lộc, tối kỵ)… Nói chung, nơi đặt để tạo tác non bộ, nghệ nhân cần phải hết sức quan tâm, lưu ý để sự vận khí theo phong thủy được vận dụng lưu thông.
Không nên thiết kế h nước và hòn non bộ ở trong nhà, dù bố trí ở bất kỳ vị trí nào. Một hồ nước tù đọng trong nhà, lại đắp những khối lô nhô như dãy núi, giữa hồ có vài hòn non bộ đứng lặng lẽ… Đó là một khung cảnh u buồn. Trừ một trường hợp cần làm hài hòa các yếu tố theo quan niệm phong thủy khi đã lỡ sử dụng cầu thang xoắn.
Nhưng vì sao hồ nước và hòn non bộ không nên đặt trong nhà?
- Theo quan niệm phong thủy, sông hồ, núi non phải giao hòa với trời đất thì mới hợp lẽ tự nhiên. Cho nên chỉ có thể đặt chúng ở ngoài vườn hoặc ngoài sân. Hợp lý nhất là đặt ở góc sân đúng theo các hướng chính Bắc, chính Đông, Đông Nam.
Người ta thường làm hồ nước theo nhiều hình dạng vuông, tròn…khác nhau, tuỳ theo sở thích của từng người. Nhưng làm theo hình dạng như thế nào thì hợp lý nhất?
- Hồ nước nên có những đường tròn chứ đừng làm góc cạnh. Nước trong hồ phải lưu thông. Không nên để một cái hồ tù đọng. Chúng ta nên sử dụng các thiết bị hút nước tạo dòng chảy hoặc phun lên cao.Lưu ý, nếu bạn muốn thiết kế một cái hồ có hình móng ngựa thì phải để cho phía lõm quay vào nhà. Không nên để phía lõm quay theo hướng ngược lại (hướng ra ngoài). Còn các loại hình khác thì hướng quay tùy ý, nhưng nhớ kỹ đừng bao giờ làm có góc cạnh.
Còn hòn non bộ thì ra sao?
- Hòn non bộ không nên làm một hòn lẻ loi, không nên làm hòn chẳn như 2, 4, 6…Chỉ nên làm 3 hòn, 5 hòn, 7 hòn… Đó là về mặt số lượng. Ngoài ra nên nhớ không nên làm các hòn bằng nhau. Phải thiết kế có sự phân cấp lớn nhỏ. Điều này tương ứng như sự phân cấp trong gia đình bạn, mỗi người mỗi vai trò lớn nhỏ khác nhau.
Ở trên có nói đến trường hợp chúng ta lỡ sử dụng cầu thang xoắn thì cơ cấu hồ nước như thế nào?
- Nhiều gia đình phải dùng một cái cầu thang xoắn vì không gian trong nhà chật chội hay đã lỡ thiết kế kiểu đó thì phải dùng hồ nước để làm trung hòa. Cầu thang xoắn là rất không tốt. Hồ nước dưới chân nó làm giảm bớt khí xấu. Bên dưới các bậc thang cần đặt một vài tấm gương, mặt xuống phía hồ nước.
Nếu đã lỡ bố trí hồ nước, hòn non bộ ở trong nhà?
- Việc đó đâu có khó gì. Đơn giản là bạn chỉ phá bỏ đi thôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét